TRUNG TÂM HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI SỐ BÁO CHÍ

Trang chủ / Tin tức / Chi tiết tin tức

Mô hình tòa soạn hội tụ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

1. Báo chí trong kỷ nguyên của chuyển đổi số

Trong vài năm gần đây, vấn đề nghiên cứu về ứng dụng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đời sống xã hội nói chung và ngành công nghiệp báo chí nói riêng đã và đang là chủ đề quan trọng [5,6]. Để có thể bắt kịp với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, báo chí – truyền thông cần có các đối sách và chiến lược phù hợp. Việc sử dụng khoa học và công nghệ trong báo chí – truyền thông luôn là các ưu tiên số 1 của các tổ chức, quốc gia hay vùng lãnh thổ. Theo các dự báo, đến năm 2020 có khoảng 50 tỷ thiết bị sẽ có kết nối và chia sẻ thông tin thông qua các dịch vụ chia sẻ hay internet [7]. Các thiết bị có thể mang, mặc cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Vấn để của báo chí không chỉ dừng lại ở việc đưa tin tức hay thực hiện các phản ánh sự vật, hiện tượng trong xã hội một cách tương đối thụ động như hiện nay. Các hoạt động báo chí – truyền thông sẽ dần thay đổi để phù hợp hơn với xu thế hiện nay như xu thế của video trực tuyến, chatbots, đa nền tảng, đa giao diện, cá nhân hóa hay tương tác, các kỹ thuật và công nghệ thực tại ảo – thực tại tăng cường…

Vai trò của công nghệ thông tin trong các hoạt động của báo chí đã ngày càng trở nên quan trọng. Có thể nói rằng, công nghệ thông tin như là dưỡng chất cho sự phát triển của việc ứng dụng các sản phẩm báo chí. Việc ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ như internet vạn vật (IoT), trí thông minh nhân tạo (AI), phân tích và xử lý dữ liệu lớn (big data analytics)… trong các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí di động, báo chí đa nền tảng… sẽ giúp chúng ta tạo ra các sản phẩm thông minh hơn trước. Các hệ thống tự động/thông minh sẽ cho phép các tòa soạn tạo ra các bài báo hay tin tức một cách tự động/bán tự động. Việc xuất bản cũng ngày càng đơn giản hơn với các kỹ thuật, công nghệ phụ trợ.

Cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, các vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, lãnh đạo truyền thông hiện nay có thể được kể đến bao gồm các vấn đề của chủ thể quản lý truyền thông; vấn đề về nội dung và nguyên tắc quản lý truyền thông; vấn đề về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và khoa học của công tác quản lý truyền thông; vấn đề về mô hình quản lý nhà nước và mô hình quản lý cơ quan báo chí, truyền thông; thách thức trong cạnh tranh báo chí và phương tiện truyền thông mới; thách thức về hạ tầng – kỹ thuật; và thách thức về an ninh truyền thông cũng như văn hóa truyền thông.

2. Mô hình hội tụ nội dung và công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhà công nghệ truyền thông nổi tiếng người Mỹ Nocholas Negropote đã đưa ra khái niệm hội tụ. Tuy nhiên, đến năm 1983, giáo sư Ithiel de Sola Pool của Học viện Công nghệ Hoa Kỳ (MIT) mới chính thức đưa ra các khái niệm truyền thông hội tụ, theo đó dự đoán sự phát triển của các kỹ thuật số hóa khiến các loại hình truyền thông hội tụ lại với nhau. Khi công nghệ số và truyền thông số ra đời, các phương tiện truyền thông ngày càng có xu hướng tích hợp, tương tác và hỗ trợ nhau bằng các phương thức đa dạng và phức tạp hơn trước. Khi Kevil L. McCruden để xuất khái niệm “hội tụ truyền thông là sự giao thoa giữa mô hình truyền thông mới và truyền thông tuyền thống”, trên cơ sở mô hình này, mạng Internet là hạt nhân và phương tiện truyền thông mạnh mẽ nhất được tạo ra. Có nhiều mô hình hội tụ đã ra đời bao gồm hội tụ về không gian làm việc, hội tụ trong phương thức tác nghiệp của nhà báo, hội tụ về nội dung,…

Ngày nay, cùng với sự thay đổi của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực báo chí đã và đang mang lại các hiệu quả rõ rệt. Một kỷ nguyên mới của báo chí ra đời, kỷ nguyên của công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung [1,2,3,4]. Khái niệm hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được đề cập đến như là một chìa khóa để mở ra một con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn báo hiện đại (hình vẽ dưới đây). Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được hiểu như là sự tích hợp của các thành phần khác nhau từ khâu lấy tin, in ấn, nhiếp ảnh đến các nội dung của báo mạng điện tử. Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo. Để làm được như vậy, chúng ta cần có một nền tảng thống nhất giữa các dữ liệu được sử dụng. Ví dụ như: một phóng viên có thể thực hiện đưa tin tại hiện trường, đồng thời chuyển các dữ liệu (hình ảnh, âm thanh, video clips,…) thu nhận được về trung tâm tích hợp dữ liệu, ở đó dữ liệu sẽ được chia sẻ cho các phòng/ban hay phóng viên khác để thực hiện các bài viết sâu hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn. Các bài viết hoặc dữ liệu được tạo ra tiếp tục được lưu trữ tại trung tâm tích hợp dữ liệu để chia sẻ tới các phóng viên (hay đơn vị, phòng/ban) khác.

Bên cạnh đó, các hệ thống xử lí tin, bài thông minh sẽ cho phép tự tạo ra các tin, bài một cách tự động thông qua các kỹ thuật báo chí hiện đại như: báo chí dữ liệu, báo chí di động, megastory/longform, hay các kỹ thuật học máy hay xử lý/phân tích dữ liệu lớp khác. Cùng với đó, hệ thống lọc và phân tích nội dung cho phép lọc/phân tích thông tin dựa trên các vấn đề liên quan và lịch sử/nội dung các bài viết thông qua trung tâm tích hợp dữ liệu. Các dữ liệu này được coi là dữ liệu đầu vào cho toàn hệ thống. Song song với các hệ thống đó, hệ thống quản trị nội dung cho phép xử lý, quản lý các nôi dung tin/bài cho tòa soạn.

Vai trò của Ban Biên tập và Thư kí tòa soạn lúc này có vai trò đặc biệt quan trọng. Các dữ liệu thông tin liên quan đến chỉ đạo, báo cáo của Ban Biên tập, Thư ký Tòa soạn, Phóng viên sẽ được lưu trữ trên hệ thống, đồng thời thông qua hệ thống sẽ quyết định loại hình tin/bài sẽ được xuất bản lên các kênh truyền thông phù hợp.

Theo mô hình này, phóng viên sẽ nhận yêu cầu lấy tin tại hiện trường thông qua các phần mềm quản lý hoặc trực tiếp từ các phòng/ban hay ban biên tập và thư ký tòa soạn. Các thông tin thu thập được của phóng viên sẽ được chuyển về trung tâm tích hợp dữ liệu để các phòng/ban và các phóng viên khác tái sử dụng. Tại hiện trường, phóng viên có thể thực hiện các tin/bài mang tính cập nhật. Ban Biên tập và Thư ký tòa soạn có trách nhiệm kiểm soát thông tin trước khi xuất bản đến báo in hoặc báo mạng tùy theo nhu cầu và khả năng của tòa soạn. Cần xác định rõ, hội tụ trong trường hợp này là hội tụ nội dung, hội tụ công nghệ và hội tụ phương tiện trong truyền thông, khác với việc đưa tất cả các đơn vị, phòng ban, phóng viên về cùng một tòa nhà hay cùng một địa điểm.

Kết luận

Qua các phân tích ở trên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực báo chí đã và đang mang lại các hiệu quả rõ rệt. Một kỷ nguyên mới của báo chí ra đời, kỷ nguyên của công nghệ số và hội tụ. Khái niệm tòa soạn hội tụ được đề cập đến như là một chìa khóa để mở ra một con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn báo hiện đại. Hội tụ được hiểu như là sự tích hợp của các thành phần khác nhau từ khâu lấy tin, in ấn, nhiếp ảnh đến các nội dung của báo mạng điện tử. Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo. Để làm được như vậy, chúng ta cần có một nền tảng thống nhất giữa các dữ liệu được sử dụng. Một trung tâm tích hợp là cần thiết trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay. Trung tâm này sẽ bao gồm các hệ thống như hệ thống tích hợp dữ liệu, hệ thống phân tích nội dung, hệ thống xử lý tin bài thông minh và hệ thống quản trị nội dung. Một thời đại mới sẽ mở ra cho ngành công nghiệp báo chí – truyền thông. Thời đại báo chí “số”!

ĐÁNH GIÁ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Danh sách nền tảng số